Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, sữa mẹ chính là món quà quý giá nhất. Vậy nên các mẹ sau sinh cần tìm hiểu về sữa mẹ một cách đầy đủ và chính xác để có kiến thức giải quyết những vấn đề về sữa khi cho con bú, cung cấp được số lượng và chất lượng sữa tốt nhất cho bé yêu.
Trong cơ thể, có bốn hormone là estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin sẽ tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất sữa mẹ. Cơ chế sản xuất sữa mẹ được xác định do cơ thể tự điều chỉnh hàm lượng bốn hormone này để sinh sữa.
Estrogen và progesterone đóng vai trò giúp bầu ngực phát triển thích hợp để cho việc sản xuất sữa. Trong quá trình mang thai, nhau thai sẽ giải phóng hai loại hormone này.
Chức năng của estrogen là tăng kích thước và số lượng ống dẫn sữa còn chức năng của progesterone sẽ giúp phát triển nang và thùy tuyến sữa. Hàm lượng cao estrogen và progesterone sẽ ức chế việc sản xuất sữa ở thời điểm thai nhi còn trong bụng mẹ.
Hàm lượng hai hormone này cũng sẽ tự động giảm xuống, báo hiệu cho cơ thể biết đã đến lúc tạo sữa khi em bé chào đời, nhau thai đã bong. Vậy nên việc người mẹ dùng thuốc tránh thai chứa estrogen khi đang cho con bú sẽ làm giảm số lượng sữa mẹ tiết ra.
Phản xạ tiết sữa mẹ sẽ do prolactin tác động. Việc bài tiết prolactin được kích thích khi trẻ mút vú mẹ. Prolactin sẽ di chuyển vào máu, đến ngực và làm cho ngực sản xuất sữa.
Sau bữa bú của trẻ khoảng 30 phút, phần lớn lượng prolactin sẽ ở trong máu để giúp tạo sữa cho bữa bú tiếp theo. Cũng có thể hiểu rằng việc trẻ bú càng nhiều thì sữa mẹ được tạo ra càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Việc sản xuất prolactin nhiều vào ban đêm sẽ rất có ích để việc tạo sữa được duy trì.
Quá trình sản xuất sữa mẹ do bốn hormone estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin quyết định
Khi trẻ bắt đầu kéo núm vú và hút là lúc hormone oxytocin được giải phóng. Oxytocin có vai trò co bóp các cơ quan quanh nang, đẩy sữa ra khỏi nang để đi vào các ống sữa, đi tới núm vú và chảy vào miệng trẻ. Quá trình này có tên gọi là phản xạ phun sữa.
Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhận sữa khi phản xạ oxytocin không làm việc tốt, sữa vẫn được sản xuất nhưng lại không được tống ra ngoài.
Ý nghĩ của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng tới phản xạ phun sữa. Cụ thể khi mẹ có những cảm giác tốt như yêu thương gần gũi với con, hài lòng với con mình, tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ hỗ trợ tốt cho phản xạ phun sữa. Trong mỗi cữ bú, phản xạ tiết sữa có thể xảy ra vài lần khiến mẹ bị râm ran, hơi khó chịu ở ngực hoặc không có cảm giác bất thường nào.
Thời gian sản xuất sữa non của mẹ sẽ bắt đầu từ quý II của thời kỳ mang thai và kéo dài tới khoảng 2 – 4 ngày sau khi trẻ ra đời. Cơ thể mẹ sẽ bắt đầu sản xuất nhiều sữa hơn sau khi bé ra đời, nhau thai đã bong. Lượng sữa cơ thể mẹ tiết ra sẽ tiếp tục tăng, đổi màu trắng và loãng hơn từ ngày thứ 14 trở đi. Mẹ cũng sẽ cảm thấy 2 bầu vú đầy, căng cứng khi xuống sữa.
Thành phần sữa mẹ gồm những gì?
Sữa mẹ có chất gì chắc hẳn là thắc mắc của nhiều phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Từ 10 – 15 ngày sau sinh là giai đoạn sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng là chất béo, chất đạm, kháng thể, vi chất dinh dưỡng, carbohydrate, men và hormone nên mẹ hãy cho bé bú ngay từ khi chào đời.
Chất béo (lipid)
Trong sữa mẹ, thành phần quan trọng và chủ yếu nhất là chất béo – cung cấp 50% năng lượng hằng ngày cho trẻ.
Triglyceride và các acid béo dài: AA và DHA trong chất béo sẽ giúp trẻ phát triển vòng mạch, não bộ, các mô thần kinh và hoàn thiện hệ miễn dịch.
Còn có một loại acid béo ngắn trong sữa mẹ là MHO, có tính năng đẩy chất thải và vi khuẩn ra khỏi ruột của trẻ, đóng vai trò như chất xơ (vì trong sữa mẹ không có chất xơ). Vậy nên dù bé bú mẹ hoàn toàn vẫn không bị táo bón hay tiêu chảy, bé đi nhiều lần 2 ngày hay đi 1 lần nhiều ngày thì phân vẫn rất mềm, vàng và không bị vón cục.
Bên cạnh đó, chất béo còn có công dụng như dung môi để giúp trẻ hấp thụ một số vitamin quan trọng.
Chất đạm (Protein)
Chất đạm trong sữa mẹ cũng quan trọng không thua kém gì chất béo vì cung cấp amino- acid cho trẻ để trẻ tăng trưởng cơ và xương, tạo kháng thể, tạo các men cần thiết, tạo dung môi cho hormone. Trong chất đạm gồm có WHEY protein và CASEIN protein.
WHEY protein: chiếm 60% lượng chất đạm trong sữa với các thành phần a-lactalbumin, lysozyme, lactoferrin, immunoglobulin … Công dụng của WHEY protein là cung cấp dinh dưỡng, bảo vệ, đào thải ra ngoài cơ thể các chất dư thừa, cặn bã, chất độc, tế bào lạ. Trong sữa mẹ, WHEY protein ở dạng lỏng nên trẻ tiêu hóa và hấp thụ dễ dàng qua ruột để hoàn chỉnh niêm mạc ruột, tạo kháng thể.
CASEIN protein: chiếm 40% lượng chất đạm trong sữa, mang công dụng chính là đạm dinh dưỡng, dễ tiêu hóa hấp thụ vì ở dạng kết tủa trong ruột mềm như đậu phụ.
Kháng thể trong sữa mẹ
Các kháng thể trong sữa mẹ giúp trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài để khỏe mạnh hơn. Có hàng triệu bạch cầu sống và các globulin từ sữa mẹ đi vào cơ thể của trẻ qua mỗi cữ bú. Các chất này sẽ bảo vệ trẻ trước các vi khuẩn tấn công.
Tìm hiểu sữa mẹ
Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh để được bổ sung đủ chất dinh dưỡng thiết yếu
Vi chất dinh dưỡng
Có một số lượng lớn chất sắt, canxi và selen dễ hấp thu trong sữa mẹ giúp trẻ có một bộ xương và răng chắc khỏe, hệ miễn dịch khỏe mạnh và trí não phát triển.
Chất bột đường (Carbohydrate)
Đường Lactose cũng là một thành phần chính trong sữa mẹ, có khả năng cung cấp 40% năng lượng cần thiết cho trẻ tăng trưởng và phát triển. Hai loại carbohydrat quan trọng và chủ yếu là lactose và oligosaccharide sẽ hỗ trợ sự phát triển của não bộ và tăng cường sự khỏe mạnh của hệ đường ruột, để trẻ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Men và hormone
Men tiêu hóa lipase, amylase, hormone prolactin, thyroid, oxytocin trong sữa mẹ sẽ tăng sức khỏe đường ruột, cân bằng sinh hóa.
Mùi vị của sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng bởi các loại men và hormone này, nếu mẹ thay đổi khẩu phần ăn uống thì men và hormone này cũng sẽ thay đổi theo nên mẹ hãy giúp trẻ dần làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau trong chế độ dinh dưỡng.
Sữa mẹ có vị gì?
Vị của sữa mẹ
Sữa mẹ khác hoàn toàn với sữa bò, sữa dê hay bất kỳ loại sữa công thức nào khác nên không thể đánh giá và so sánh sữa mẹ với các loại sữa này.
Vậy sữa mẹ có vị gì? Bình thường sữa mẹ sẽ có mùi thơm nhẹ đặc trưng, vị ngọt nhạt, không quá mặn hay quá ngọt. Trên thực tế, tùy cơ địa mỗi người phụ nữ, chế độ ăn uống từng người trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ mà vị của sữa mẹ cũng sẽ khác nhau. Ngoài ra, mùi vị sữa mẹ cũng sẽ bị biến đổi thành tanh, nồng, chua hơn lúc ban đầu nếu vắt sữa mẹ và bảo quản sữa mẹ trong môi trường bên ngoài.
Yếu tố ảnh hưởng tới vị của sữa mẹ
Vị sữa tiết ra sẽ khác nhau ở mỗi người phụ nữ do sự khác nhau trong thực đơn ăn uống. Hương thơm và mùi vị nguyên bản của sữa mẹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những loại thực phẩm dưới đây:
Gia vị nồng như tỏi, ớt, tiêu: có mùi hôi nồng làm vị của sữa mẹ thay đổi
Thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn: sữa mẹ sẽ có vị mặn do hàm lượng natri cao trong các loại thức ăn này.
Chuối, ngũ cốc, trái cây: mùi vị sữa mẹ sẽ thơm ngon hơn, lượng sữa cũng dồi dào hơn nếu mẹ ăn nhiều trái cây, ngũ cốc.
Cơ địa của từng phụ nữ cũng trở thành nguyên nhân làm cho mùi vị sữa mẹ khác nhau, chẳng hạn như:
Enzyme tiêu hóa lipase: nếu lượng chất này có nhiều trong cơ thể mẹ sẽ khiến sữa sau khi vắt ra ngoài có vị như xà phòng.
Lactose: khi mẹ được bồi bổ đủ chất thì nồng độ lactose trong máu cao, làm cho sữa mẹ có vị ngọt.
Tìm hiểu sữa mẹ
Mùi vị nguyên bản của sữa mẹ phù hợp với khẩu vị của trẻ
Sữa mẹ ngọt có tốt không?
Mùi vị sữa mẹ thông thường sẽ ngọt nhạt, dễ chịu cho trẻ bú và bị ảnh hưởng bởi thực phẩm mà mẹ ăn uống.
Sữa mẹ có vị ngọt là do có chứa lactose, lượng lactose càng cao sẽ khiến sữa mẹ càng ngọt và ngược lại.
Nếu các mẹ đang thắc mắc sữa mẹ ngọt có tốt không thì có thể yên tâm vì sữa mẹ có vị ngọt không có gì đáng ngại, điều này phản ánh việc sức khỏe mẹ rất tốt, ăn uống đầy đủ chất nên sữa mới có vị ngọt, đặc, thơm ngon, kích thích trẻ bú nhiều hơn.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý không nên để sữa quá ngọt để tránh tình trạng trẻ bị quá tải lactose gây phân lỏng xanh, nhiều bọt, mùi chua, trẻ bị hăm tã kéo dài…
Sữa mẹ mặn có nên cho bé bú không?
Hàm lượng natri cao và chế độ ăn uống nhiều loại thực phẩm có mùi nồng như tiêu, tỏi, ớt… sẽ làm cho sữa mẹ có vị mặn.
Khi sữa mẹ mặn có thể làm cho trẻ “chê” sữa, bỏ cữ bú hoặc bú không nhiều, dẫn đến trẻ bị đói, quấy khóc, thiếu hụt dinh dưỡng và hay ốm vặt. Vậy nên tốt nhất để tình trạng sữa mẹ có vị mặn không xảy ra, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ nên chú ý các loại thực phẩm trong chế độ ăn: hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều gia vị, thực phẩm chế biến sẵn…, tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đồ ăn tính mát, lợi sữa…
Tìm hiểu sữa mẹ
Sữa mẹ có vị mặn sẽ khiến trẻ không thích bú, quấy khóc do đói
Màu sữa mẹ như thế nào là tốt?
Sữa non
Sữa non được tạo thành khi phụ nữ mang thai được 7 tháng trở đi và được hình thành thông qua quá trình thay đổi hormone của phụ nữ sau sinh từ 2 – 3 ngày.
Sữa non của mẹ có màu gì? Sữa non của mẹ thường có màu vàng nhạt, vàng đục hoặc cam do trong sữa có nhiều beta-carotene.
Số lượng sữa non rất ít nhưng lại cực kỳ bổ dưỡng, chứa nhiều kháng thể, nhiều tế bào miễn nhiễm, lợi khuẩn và ít mỡ.
Sữa chuyển tiếp
Sữa chuyển tiếp được tiết ra sau 5 – 14 ngày sau khi sinh, ngay khi sữa non hết và trước khi sữa trưởng thành bắt đầu hình thành. Màu sữa mẹ sẽ chuyển từ màu vàng của sữa non sang màu trắng của sữa chuyển tiếp.
Sữa chuyển tiếp có thành phần dinh dưỡng giống sữa trưởng thành và số lượng sữa nhiều hơn.
Sữa trưởng thành
Sữa trưởng thành xuất hiện khoảng 2 tuần sau khi sinh, có thành phần chứa khoảng một nửa các protein trong sữa non và nhiều chất béo hơn sữa non.
Màu sắc của sữa trưởng thành sẽ được chia theo:
Sữa đầu: trong mỗi lần trẻ bú, đây là lượng sữa đầu tiên chảy ra, kết cấu lỏng, ít chất béo, có màu xanh nhạt, xanh non hoặc ngả sang màu trắng trong.
Sữa cuối: hàm lượng chất béo trong sữa sẽ tăng lên khi mẹ tiếp tục cho trẻ bú, màu sữa sẽ đậm dần lên và chuyển thành trắng hoặc vàng đục.
Trên thực tế, sữa mẹ màu gì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như thực phẩm dinh dưỡng, một số thảo dược, thực phẩm chức năng hay thuốc uống…
Tìm hiểu sữa mẹ
Màu sữa mẹ sẽ khác nhau ở từng giai đoạn
Nên nuôi con bằng sữa mẹ đến khi nào?
Đối với những người lần đầu làm mẹ, khi tìm hiểu về sữa mẹ chắc hẳn sẽ thắc mắc nên nuôi con bằng sữa mẹ đến khi nào? Cho trẻ bú bao lâu thì cai sữa?…
Để giải đáp vấn đề này, các chuyên gia cho biết các mẹ nên cho trẻ bú tối thiểu 1 năm hoặc lâu hơn nếu cả mẹ và trẻ đều muốn. Thời điểm cai sữa cho trẻ sẽ tùy thuộc vào mẹ, nếu mẹ cảm thấy trẻ đã sẵn sàng thì hãy bắt đầu cai sữa, ví dụ khi mẹ thấy trẻ không còn hứng thú với sữa mẹ (khi trẻ bắt đầu ăn dặm), trẻ hiếu động (1 – 3 tuổi) nên không thể ngồi yên bú sữa mẹ hoặc khi mẹ đã hết thời gian nghỉ thai sản chuẩn bị đi làm…
Giải pháp chăm sóc nguồn sữa khi nuôi con bằng sữa mẹ
Để sữa mẹ đạt chất lượng và số lượng đáp ứng nhu cầu của trẻ, mẹ bỉm cần lưu ý về dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt.
Chế độ dinh dưỡng
Chia đều bữa ăn, cân đối các nhóm chất dinh dưỡng
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
Không ăn các thực nhiều cay nóng, nhiều gia vị, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ…
Không uống cà phê, rượu bia, chất kích thích, nước ngọt đóng chai
Chế độ tập luyện
Tuần đầu sau sinh mẹ có thể vận động nhẹ nhàng rồi tăng dần mức độ và thời gian tập luyện nhiều hơn.
Thường xuyên massage ngực để lưu thông máu, tránh tắc tia sữa, kích thích tiết sữa.
Chế độ sinh hoạt
Ăn uống điều độ, nghỉ ngơi đúng giờ, không thức khuya
Để tránh căng thẳng, mệt mỏi, mẹ có thể nghe nhạc, ngồi thiền, đọc sách…
** Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là một trong những bệnh viện tiên phong tại miền Bắc áp dụng triệt để phương pháp da kề da sau sinh và khuyến khích sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ngay từ khi trẻ chào đời. 100% ca sinh tại Hồng Ngọc bao gồm cả sinh thường và sinh mổ sẽ được thực hiện da kề da theo đúng quy trình chuẩn của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO, đảm bảo an toàn và khoa học. Việc được da kề da ngay sau sinh đúng cách cũng góp phần “gọi sữa về” nhanh hơn, để trẻ sớm được đón nhận những giọt sữa non quý giá của mẹ.
Chuyên mục đọc nhiều nhất